Lúc mẹ ruột tìm đến tận cửa, tôi đang cầm xẻng, hùng hục xúc cám cho heo ăn. Cũng hết cách, con heo nái Đa Hoa nhà tôi sắp đẻ, phải tăng cường dinh dưỡng kẻo lỡ giờ vàng.
“Láo nháo láo nháo, láo nháo láo nháo, đừng tranh cướp! Đã bảo đừng tranh cướp mà!”
“Nhị Hoa, Tam Hoa, tụi mày tranh cái gì mà tranh? Không biết nhường nhịn cho heo bầu hả?”
“Đúng là một đám đầu heo, đến lúc tụi mày mang thai thì sao!”
Đúng lúc đó, cánh cổng lớn “ầm” một tiếng bị người ta đẩy ra.
Ngay sau đó, một đám người ăn mặc sáng sủa, hào nhoáng xông vào.
Tôi ngơ ngác đứng dậy, tay trái xách thùng, tay phải cầm xẻng, cứ thế nhiều mắt nhìn nhau với đám người đó.
“Cái này… mấy vị đây là đến mua heo hay mua gà?”
Theo phản xạ, tôi bật ra câu mở bài kinh điển của mẹ tôi.
Ai ngờ, lời tôi vừa dứt, một người phụ nữ ăn mặc giản dị đối diện bỗng nhiên nước mắt “ào” một cái tuôn rơi.
Tôi lập tức bị làm cho ngẩn ngơ.
Cái này cái này, mức độ kích động này có phải hơi quá không?
Thật ra tôi gặp khách mua cũng nhiều rồi, thỉnh thoảng cũng có vài người đầu óc kỳ quái, không phải chưa từng thấy.
Như lần trước có anh chàng chọn heo, chọn cả buổi sáng mà chẳng chọn được con nào, cuối cùng bị tôi sốt ruột quát một câu “Cậu muốn cưỡi heo à” làm bừng tỉnh, cảm xúc lập tức dâng trào, số heo chọn từ một biến thành hai, chọn luôn hai anh em mập nhất, còn nhảy nhót hò hét muốn khởi nghiệp gì đó trên mạng xã hội, đặt tên là “Hiệp sĩ lợn đất”, bảo nhất định sẽ nổi đình nổi đám trên mạng, còn rủ tôi nhập hội nữa cơ. Chẳng lẽ vị này cũng muốn đi đường vòng kỳ lạ sao?
“Cái này, cái này… thỏ nhà tôi vừa mới đẻ con…”
Tôi nghĩ thầm trong nhà ngoài gà với lợn thì chỉ còn thỏ, nhưng chưa kịp nghĩ xong, người phụ nữ kia đã lao lên một bước, ôm chầm lấy tôi, gào khóc thảm thiết.
“Con gái! Con gái của mẹ! Con chịu khổ rồi!”
Lúc này tôi mới chậm nửa nhịp nhận ra, hóa ra “con đường vòng” mà bà ấy nhắm tới lại chính là tôi?
1.
Từ nhỏ tôi đã biết mình không phải con ruột của ba mẹ, mà ba mẹ cũng chẳng bao giờ né tránh chuyện đó.
Mẹ tôi thường nói, tôi chính là cột chống trời, là phúc tinh của cái nhà này, có tôi mới có tiền vô cửa, mới sinh được thêm con cái.
Công trạng duy nhất của ba tôi chính là năm đó lanh trí, nhặt được tôi bên vệ đường mang về.
Chứ với cái thân thể cày cấy năm năm không trổ được một hạt giống của ổng, mẹ tôi sớm đã đạp ổng ra khỏi cửa từ lâu rồi.
Cũng đừng nói đến cặp sinh đôi ra đời sau đó, ba cũng đã bị đá ra khỏi nhà, bọn chúng lại càng không thể có mặt trên đời?
Cho nên, khi con cái nhà người ta vừa tốt nghiệp đại học là vội đi xin việc, thì tôi vừa cầm bằng đã bị mẹ “quăng thòng lọng” kéo về quê nối nghiệp.
Trong cuộc họp gia đình long trọng, mẹ tôi tuyên bố thẳng thừng: nhà này sau này là của chị cả, em út muốn gì thì tự thân vận động, không nổi thì quay về làm thuê cho chị.
Kết quả là hai đứa em kéo tôi ra một góc lén lút hỏi:
“Chị à, chị nói thật đi, có phải hai đứa em mới là con được ba nhặt về từ bên đường không? Chứ sao đối xử khác nhau ghê vậy?”
Tôi trợn mắt nhìn tụi nó:
“Làm ơn, trước khi nói mấy lời tào lao đó, mấy đứa soi gương hộ cái, nhìn cái mặt mình xem có giống y chang ba mẹ không rồi hãy nói chuyện?”
Và thế là hai đứa bị mời ăn một trận đòn từ mẹ.
Mẹ tôi còn quay sang xoa đầu an ủi tôi:
“Con ngoan, đừng để tâm tới hai cái đứa ruột để đầy đất đó, con mãi mãi là bảo bối trong tim mẹ.”
Ba tôi ở bên cạnh cũng gật đầu lia lịa.
Tôi xúc động rưng rưng, ôm chầm lấy hai người.
Rồi âm thầm tăng gấp đôi tiền tiêu vặt tháng này cho hai đứa em.
Cũng đâu còn cách nào, tình thương của ba mẹ tôi đâu thể chia được, chỉ đành bù đắp bằng tiền vậy.
2.
Nhà cửa bỗng nhiên xuất hiện bao nhiêu xe lạ, nhanh chóng làm hàng xóm xung quanh nhốn nháo. Ba mẹ tôi khi ấy đang ở ngoài hỗ trợ đám tiệc cũng chẳng kịp ăn miếng nào, hớt hải quay đầu phóng về.
Cùng lúc đó, tôi cũng mặt mày ngơ ngác ngồi nghe cô Trần – người có khả năng là mẹ ruột tôi – kể lại một câu chuyện “thất lạc con” đầy mùi kịch bản phim truyền hình.
Tóm gọn là có lần nọ, bà đột nhiên thèm khủng khiếp món đậu hũ thối nên dắt tôi – khi ấy chỉ ba bốn tuổi – đi khắp nơi tìm cho bằng được. Đậu thì ăn được rồi, nhưng con thì… mất luôn.
Tóm lại, tôi là đứa bị mẹ ruột làm mất chỉ vì bà quá đam mê ăn đậu.
Trong lòng tôi lúc ấy, cảm xúc ngổn ngang. Người đâu mà làm mất con cũng bá đạo quá đi.
Nhưng điều khiến tôi bất ngờ hơn là, đối với chuyện mẹ ruột tìm tới tận cửa, người phản ứng dữ dội nhất trong nhà lại không phải là ba mẹ, mà là cặp sinh đôi em út của tôi – tận bên Hải Thành còn gọi điện về oang oang.
Sau màn thay phiên vừa làm nũng vừa hăm dọa, tôi ngẩng đầu lên thì thấy mẹ tôi đã lặng lẽ khóa ngăn kéo bàn trang điểm – cái ngăn đã không khóa suốt bao năm nay. Chìa khóa còn bị bà lén lút nhét vào túi áo.
Trong ngăn đó là chỗ để giấy tờ quan trọng của cả nhà, ví dụ như sổ hộ khẩu, giấy tờ nhà… dĩ nhiên cũng có cả chứng minh nhân dân của tôi.
Xem ra tôi đã đánh giá thấp sự ảnh hưởng của chuyện này rồi. Mẹ rõ ràng vẫn bất an.
Tôi chủ động nắm lấy tay mẹ. Cảm giác chai sần trong lòng bàn tay bà khiến tôi nghẹn lại, ngước mắt lên thì lại thấy tóc bà đã điểm thêm mấy sợi bạc.
Tôi chợt nhận ra, ba mẹ tôi… thật sự đã lớn tuổi rồi.
“Mẹ, đừng nghĩ ngợi lung tung nữa, cứ để lòng yên ổn đi. Mẹ nghĩ kỹ lại xem con gái mẹ học chuyên ngành gì ở đại học?”
“Chăm sóc heo nái sau sinh!”
Bà mẹ nhà tôi đáp liền không cần suy nghĩ.
“Vậy mẹ nghĩ coi, với cái chuyên ngành này, ngoài việc bám chặt lấy cái trại heo nhà mình, con còn làm được gì, còn biết làm gì?”
Ánh mắt mẹ tôi lập tức sáng bừng, độ sáng phải nói là sánh ngang bóng đèn pha 500 watt.
“Ờ ha, mẹ sao lại quên mất chuyện đó chứ? Ủa mà không đúng! Mẹ nghe nói mẹ ruột con nhà giàu lắm, biệt thự mấy tầng, phòng ngủ đếm không hết!”
“Không được, trại heo nhà mình phải tiếp tục làm lớn, không thể nghe theo ba con mà đi đường an toàn được…”
Vừa xoa tay tôi, mẹ vừa lẩm bẩm vạch kế hoạch tương lai. Nhưng rõ ràng, tinh thần bà đã dần hồi phục.
Chỉ có tôi, trong lòng vẫn chẳng nhẹ nhõm như vẻ ngoài thể hiện.
3.
Nhân lúc chưa có kết quả xét nghiệm ADN, tôi cũng vài lần nói thẳng với cô Trần – người có khả năng là mẹ ruột tôi – về ý định của mình.
Tôi muốn giữ nguyên hiện trạng. Nghe có vẻ ích kỷ, nhưng đối với tôi, người đã nhặt tôi về, nuôi nấng tôi lớn khôn, thương tôi như con ruột chính là ba mẹ tôi. Tình cảm của tôi trước sau vẫn thuộc về mái nhà này.
Nhìn gương mặt đối diện giống tôi đến mức không thể chối cãi, tôi cũng chẳng dối lòng được mà nói rằng mình không thể là đứa con thất lạc suốt hai mươi năm của bà.
Cô Trần rất dịu dàng, đặc biệt thích nghe mẹ tôi kể chuyện hồi nhỏ của tôi.
Ví dụ như: tôi ngày xưa mềm mại đáng yêu thế nào, chỉ một cái thơm nhẹ cũng khiến hai đứa nhóc quậy phá trong nhà ngoan ngoãn suốt cả ngày. Một tiếng gọi “ba” ngọt lịm cũng đủ khiến ba tôi lập tức buông chén rượu mà ngoan ngoãn về nhà.
Cuối cùng, kết quả – dù chậm – cũng đã đến.
Tôi… đúng là con ruột của bà ấy.
Không khí trong nhà thoáng cái trầm hẳn xuống.
Chính ba tôi là người đầu tiên tìm thấy tôi trốn giữa đám heo con.
Ông cười hiền, đưa tay xoa đầu tôi:
“Con gái ngoan, ba mẹ hiểu lòng con, cũng biết điều con quan tâm nhất chính là cái nhà này. Không thì sao con lại cố chấp chọn đại học nông nghiệp chứ, ba mẹ đều biết.”
“Con cứ về đó xem sao, đừng lo cho ba mẹ.”
“Mẹ ruột con cũng không dễ dàng gì. Hai mươi năm trời kiên trì đi tìm, chắc chắn cũng đã chịu nhiều khổ cực.”
“Ơn sinh thành hay ơn nuôi dưỡng đều là ơn. Ba với mẹ cảm ơn bà ấy vì đã sinh con ra, nếu không thì ba mẹ làm gì có được đứa con gái tuyệt vời thế này?”
“Với lại hai đứa em con cũng đang thực tập bên Hải Thành, coi như con đi du lịch một chuyến, tiện thể giám sát tụi nó xem có nghiêm túc làm việc không. Không thì cứ đánh cho một trận.”
Tôi nước mắt giàn giụa, nhưng vẫn gật đầu trong nghẹn ngào.
Tôi hiểu ba mẹ. Họ không muốn tôi bị giằng xé giữa hai bên, cũng không muốn tôi sống trong nuối tiếc.
4.
Trên đường tới Hải Thành, cô Trần – mẹ ruột tôi – cứ mãi cố gắng kéo gần khoảng cách giữa hai người, kể tôi nghe đủ chuyện về nhà họ Phó. Nhưng khoảng trống hai mươi năm đâu phải một sớm một chiều có thể lấp đầy.
Tôi cũng biết được, thì ra tôi còn có một cô em gái. Năm nay mười chín tuổi. Tính kỹ thì chắc là được mang thai vào cái năm tôi bị thất lạc.
Nhưng khi thực sự bước vào cửa nhà họ Phó, tôi mới hiểu, hóa ra tôi vẫn đánh giá quá thấp mức độ “phức tạp” của nhà này rồi.
Trên sàn là một mớ chén dĩa vỡ tung toé, một cô gái mặc đầm đen dây mảnh đang một mình đánh tay đôi với ba cô khác, xung quanh còn có cả một đám người đang tụ lại xem vui.
“Gia… Gia Dao?”
Bên tai vang lên tiếng thì thầm sửng sốt của mẹ ruột tôi.
Tôi nhanh chóng ngẩng đầu, nhìn theo hướng bà đang nhìn tới. Nhíu mày.
“Mẹ nói cái cô mắt xanh lè, môi đỏ như máu, nhìn chẳng khác gì ma cà rồng kia là Phó Gia Dao, em gái ruột của con?”
Cô Trần hơi lưỡng lự rồi gật đầu.
“Ờm… Gia Dao thì đúng là có sở thích hơi… đặc biệt, nhưng mà con bé thật ra ngoan lắm, chưa từng…”
Phần sau tôi nghe không nổi nữa, vì tôi đã phóng thẳng ra ngoài.
Nhà họ Cố của tụi tôi có một quy định bất thành văn – có thể nhịn đói, chứ tuyệt đối không được chịu thiệt.
Mà tôi đây, là sinh viên ưu tú, trợ lý đắc lực của thầy cô trong tiết thực hành – văn có thể làm bài, võ có thể bắt heo. Nói về sức mạnh thì nó chỉ là ưu điểm đứng thứ mấy mà thôi.
Tôi chạy đà một cú, tung một phát đá bay một đứa, xoay người túm lấy tay đứa thứ hai, khom người thực hiện một cú vật vai dứt khoát.
“Rầm!”
Cả thế giới bỗng chốc im phăng phắc.