Skip to main content

Bán Giang Yên Vũ

10:42 sáng – 09/02/2025

05.

Trước Tết Đoan Ngọ, cha ta hoàn thành chuyến áp tiêu, trở về nhà.

Ông mua rất nhiều quà cho ba tỷ đệ chúng ta, khiến tiểu đệ, tiểu muội vui sướng nhảy cẫng lên.

Cha lần này còn mua cho ta và tiểu muội mỗi người một cây trâm hoa—của ta là hoa mai, của muội ấy là hoa đào.

Thế nhưng, tiểu muội thích đến mức không nỡ rời tay, nhìn cây trâm của ta mà mắt sáng rực, vừa vò vạt áo vừa năn nỉ:

“Tỷ, tỷ vốn không hay chưng diện, vậy cho muội đi, được không?”

Ta vừa định đồng ý thì Chu thẩm đã lập tức túm muội ấy về.

“Trả lại cho tỷ con! Đã nói mỗi người một cái, dù tỷ con có không đeo cũng là đồ của tỷ con!”

Cha ta cũng lên tiếng: “Bình Bình, nghe lời, trả lại cho tỷ con.”

Tiểu muội quyến luyến mãi, cuối cùng vẫn miễn cưỡng nhét trâm trở lại tay ta.

Lúc này, cha ta mới để ý đến quý phu nhân.

Chu thẩm đã sớm kể cho ông nghe về nàng, ông không trách ta mà còn khen ngợi đôi câu:

“Nguyên Nguyên đúng là đứa trẻ tốt, còn biết cứu người nữa.”

Trong bếp, cha và Chu thẩm đang bận rộn gói bánh chưng, tiểu đệ, tiểu muội thì ở bên cạnh đuổi dế.

Còn quý phu nhân thì dạy ta đọc chữ.

Mọi thứ vốn đang rất bình yên, bỗng nhiên bên ngoài có một toán quan binh xông vào, nói rằng đến để bắt lính.

Tên trong sổ quân dịch có cả cha ta và tiểu đệ!

Chu thẩm như gà mẹ xù lông bảo vệ con, che chắn phía sau cha và tiểu đệ, giọng run rẩy:

“Quan gia, nhà ta đã nộp tiền miễn trưng binh rồi! Đầu năm chẳng phải nói rằng nộp tiền là không phải nhập ngũ sao? Hơn nữa, tiểu tử nhà ta mới có mười một tuổi thôi, sao lại có tên trong danh sách?”

Tên quan binh cầm đầu nhếch môi cười lạnh:

“Đầu năm là đầu năm, bây giờ là bây giờ. Triều đình sắp đánh trận, thánh chỉ vừa mới ban xuống—quy định tuổi nhập ngũ đã thay đổi. Ai trên mười sáu tuổi đều phải đi lính! Mà con trai nhà bà, hôm qua vừa đúng sinh nhật đấy!”

Vừa dứt lời, binh lính lập tức xông lên bắt người.

Chu thẩm mắt đỏ hoe, một tay giữ chặt tiểu đệ, một tay níu lấy cha ta, tiểu muội đứng bên cạnh khóc thét.

Ta vừa định lao tới thì Chu thẩm nhanh tay đẩy ta trở vào trong nhà.

“Vào nhà ngay!”

Nhờ cú đẩy ấy, ta không bị lôi đi cùng.

Nhưng cha và tiểu đệ vẫn bị quan binh áp giải đi.

Chu thẩm chạy theo sau, cha quay đầu lại dặn dò bà:

“A Hương, quay về đi. Chăm sóc tốt hai đứa nhỏ, cha con ta không sao đâu.”

Tối hôm đó, Chu thẩm khóc sưng cả mắt.

Ta nấu một bát mì đưa cho bà, nhẹ giọng khuyên nhủ:

“Chu thẩm, người ăn một chút đi.”

Nhưng bà không nuốt nổi, chỉ vừa khóc vừa căn dặn ta:

“Nguyên Nguyên, dạo này con đừng dẫn vị Trịnh cô nương kia ra ngoài nữa. Ngoài kia binh hoang mã loạn, không an toàn.”

“Hôm nay ta đẩy con vào trong cũng không chỉ để cứu con, mà còn lo con sẽ dẫn nàng ta ra ngoài.”

“Khí chất của nàng ta… chỉ cần nhìn thôi cũng biết không phải người bình thường. Ta sợ sẽ gây ra họa lớn.”

“Những thứ con giấu dưới gầm giường, ta đã thấy hết lúc dọn dẹp rồi.”

Ta không ngờ Chu thẩm đã biết từ lâu, chỉ là bà vẫn luôn giả vờ như không thấy.

Bà thở dài nói:

“Để Trịnh cô nương rời đi thôi. Nhà ta không thể chịu thêm bất kỳ sóng gió nào nữa.”

“Cha con và tiểu đệ đều không còn ở đây, nhà này không thể có thêm chuyện gì nữa.”

“Chu thẩm—” Ta muốn nói gì đó, nhưng bà không cho ta cơ hội mở miệng.

 

06.

Ta còn chưa biết nên mở lời thế nào với quý phu nhân, thì nàng đã đột nhiên biến mất.

Nàng để lại một bức thư cho ta.

Nhưng ta chỉ nhận ra được tên của mình cùng vài chữ lẻ tẻ, còn lại thì chẳng hiểu gì.

Không còn cách nào khác, ta đành giấu bức thư đi.

Ngay trong ngày nàng rời đi, cha và tiểu đệ lại bất ngờ trở về!

Chu thẩm và tiểu muội nhào tới ôm lấy hai người, khóc không thành tiếng.

“Sao cha và đệ lại về rồi? Không phải bị bắt đi tòng quân sao?”

Cha ta nhìn cả nhà, hốc mắt cũng đỏ hoe, giọng nghẹn ngào đáp:

“Trong quân doanh đột nhiên có một vị quý nhân đến, nói rằng không được cưỡng ép bắt lính, thế là họ thả hết mọi người ra.”

Chu thẩm liên tục tạ ơn trời đất, sau đó lập tức xuống bếp nấu một bàn đầy món ngon.

Cha và tiểu đệ bình an trở về, khiến nỗi buồn vì quý phu nhân rời đi trong lòng ta cũng vơi bớt đi nhiều.

Gia đình ta lại đoàn tụ.

Trên bàn cơm, cha uống hai chén rượu trắng, hơi say, Chu thẩm đỡ ông về phòng nghỉ.

Ta và tiểu muội vừa thu dọn bàn ăn, vừa trò chuyện.

“Tỷ, tỷ nói xem vị quý nhân kia rốt cuộc là ai?”

Ta đáp: “Không biết.”

Tiểu muội suy nghĩ một chút, thầm thì:

“Biết đâu là nhân vật lợi hại nào đó?”

Chẳng mấy chốc, mùa thu đến.

Chiến sự không nổ ra.

Cuộc sống của những dân thường như chúng ta vẫn tiếp diễn như mọi khi—cơm, áo, dầu, muối, tương, giấm, trà.

Cha tiếp tục công việc tiêu sư.

Chu thẩm vẫn bận rộn thêu thùa.

Ta mở lại quán hoành thánh.

Tiểu đệ, tiểu muội đến tư thục để học hành.

Chuyện đưa tiểu muội đi học vốn là do ông ngoại nhà họ Chu sắp xếp.

Ở đây các trường tư thục không nhận nữ nhi, nhưng ông ngoại đã mặt dày đến năn nỉ, nên mới có cơ hội này.

Dù vậy, tiểu muội cũng chỉ có thể học thêm hai năm nữa, sau đó đến tuổi bàn chuyện hôn sự.

Mười ba, mười bốn tuổi bắt đầu nói chuyện hôn nhân, mười lăm, mười sáu tuổi là đã gả đi—đây chính là số phận của những cô gái bình dân.

Ta vì có thể tự mình kiếm tiền, nên người đến hỏi cưới nhiều vô kể.

Nhưng Chu thẩm luôn nói:

“Giữ con thêm hai năm nữa đã.”

Cho đến một ngày, khi Chu thẩm từ chối mai mối, bên ngoài bỗng xuất hiện một lão thái giám.

Giọng hắn the thé, kéo dài, nói mười chữ mà nghe như chỉ được năm chữ.

Hắn chậm rãi cất tiếng:

“Ai là Từ Nguyên Nguyên?”

Ta vừa định lên tiếng thì đã bị Chu thẩm ấn xuống.

Bà lập tức cười niềm nở, lôi ra một thỏi bạc vụn nhét vào tay lão thái giám, giọng lấy lòng:

“Quan gia, ngài tìm con bé nhà ta có việc gì vậy?”

Lão thái giám vò vò thỏi bạc, nhưng không thèm liếc mắt, cuối cùng trả lại cho bà.

Sau đó, hắn lạnh nhạt nói:

“Hoàng hậu nương nương có chỉ, triệu Từ Nguyên Nguyên vào cung làm bạn đọc cho thái tử.”

Chu thẩm còn bán tín bán nghi, không dám tin tưởng, siết chặt tay ta.

Nhưng lão thái giám không biết thế nào, lại nhận ra ta ngay lập tức.

“Ngươi chính là Từ Nguyên Nguyên?”

Ta không dám nói dối, chỉ có thể gật đầu.

“Hôm nay đúng là phúc khí lớn của ngươi, theo ta vào cung thôi!”

Ta có chút hoảng sợ, trốn sau lưng Chu thẩm, thấp giọng nói:

“Nhưng… nhưng ta chẳng biết gì cả, ta chỉ biết gói hoành thánh thôi!”

Lão thái giám híp mắt, suy nghĩ hồi lâu, rồi đáp:

“Ồ… vậy thì vào cung dạy thái tử gói hoành thánh đi.”

 

07.

Chúng ta nhìn nhau ngơ ngác, cảm thấy lão thái giám này có thể là kẻ lừa đảo.

Dạy thái tử gói hoành thánh?

Nếu không phải chính tai nghe thấy, chúng ta chắc chắn sẽ không tin nổi.

Thái tử cao quý đến mức nào, đó là người như tiên nhân giáng thế, làm sao có thể liên quan đến việc gói hoành thánh chứ?

Nhưng trên người lão thái giám có lệnh bài của nội đình, cha ta không dám chắc, bèn quỳ phịch xuống trước mặt lão, dập đầu liên tục, giọng run rẩy:

“Quan gia, có phải nhà tiểu nhân đã phạm phải tội gì không? Nguyên Nguyên còn nhỏ, có chuyện gì xin cứ tìm ta, đừng làm khó con bé!”

Cha ta cao bảy tám thước, cả đời chưa từng quỳ trước ai, vậy mà lúc này vì ta mà nước mắt giàn giụa, ôm lấy chân lão thái giám mà cầu xin.

Tiểu đệ, tiểu muội cũng quỳ xuống dập đầu.

Thấy tình hình càng lúc càng hỗn loạn, lão thái giám có chút mất kiên nhẫn, liền ra hiệu cho binh lính bắt ta đi.

Nhưng đúng lúc ấy, Chu thẩm chắn trước mặt ta, cúi người hành lễ, giọng bình tĩnh:

“Quan gia, các ngài đã có chỉ triệu Nguyên Nguyên vào cung làm bạn đọc, nhà chúng ta đương nhiên không dám trái lệnh. Chỉ là chuyện này gấp gáp quá, chúng ta muốn cho con bé thu dọn hành lý, từ biệt gia đình một chút. Quan gia và các vị có thể vào nhà uống chén trà, nghỉ ngơi một lát chăng?”

Cha ta không hiểu vì sao Chu thẩm lại nói vậy, ngờ vực nhìn bà.

Chu thẩm quay sang ta, gõ nhẹ lên vai ta, giọng nghiêm túc:

“Nguyên Nguyên, còn không mau đỡ cha và các em dậy, vào phòng trong thu dọn hành lý?”

Bà không ngừng nháy mắt với ta, dường như có ý muốn ta bỏ trốn?

Chẳng lẽ đây là cơ hội để ta chạy thoát?

Chỉ tiếc là, tứ phía xung quanh đã bị người của nội đình bao vây, muốn đi cũng chẳng được.

Sau khi vào phòng, tiểu muội lo lắng đến mức sắp khóc.

“Cha, mẹ không phải thật sự muốn tỷ vào cung chứ? Vào cung rồi có phải sẽ không trở về nữa không?”

Cha ta thở dài, định đẩy cửa ra ngoài, nhưng ta đã kéo ông lại.

“Cha, Chu thẩm đã bảo chúng ta ở đây thì chắc chắn bà ấy có tính toán riêng. Cứ yên tâm chờ đi.”

Sau đó ta quay sang dỗ tiểu muội:

“Vào cung hay không, cũng không phải do Chu thẩm quyết định. Hơn nữa, ta chẳng làm gì sai, nếu thực sự phải vào cung cũng không có gì đáng sợ.”

“Nếu ta không trở về, thì căn phòng này để lại cho muội nhé? Không phải muội đã thèm thuồng nó từ lâu rồi sao?”

Phòng Đông là phòng rộng rãi nhất trong nhà, trước khi mất, mẹ ruột ta đã mời thợ về xây cho ta.

Bà từng nói, nếu sau này cha tái hôn, ta cũng sẽ có phòng riêng, không đến mức bị xếp xó.

Tiểu muội mím môi, nước mắt rơi lã chã, nhào vào lòng ta khóc nức nở.

“Tỷ, muội không cần phòng này nữa, muội chỉ cần tỷ ở nhà thôi!”

Ta cũng vô cùng hoảng hốt, lòng bồn chồn, đi đi lại lại trong phòng.

Nhìn ra ngoài qua khe cửa, ta phát hiện không lâu sau, lão thái giám đã rời đi.

Cha lập tức chạy ra hỏi Chu thẩm:

“A Hương, bà không sao chứ?”

Chu thẩm khoát tay, thở hắt ra:

“Có chuyện gì được chứ? Quan gia nói nhận nhầm người, thế là đi rồi.”

“Mọi người ai làm việc nấy đi, đừng có đứng ngây ra đấy nữa!”

Miệng bà nói vậy, nhưng sắc mặt đã tái nhợt, mồ hôi chảy ròng ròng, mái tóc bên thái dương cũng ướt đẫm.

Nhìn kỹ, ta mới phát hiện đôi mắt bà có vẻ sưng đỏ, trên vạt áo còn dính chút bụi bẩn.

Tiểu đệ, tiểu muội phấn khích đến mức nhảy cẫng lên.

Mọi người đều cảm thấy Chu thẩm thật lợi hại, vậy mà có thể khiến lão thái giám kia tự động rời đi.

Cha ta cũng cười sảng khoái, đưa cho ta một ít bạc, bảo ta dẫn tiểu đệ, tiểu muội ra ngoài ăn cho đỡ sợ.

Vừa nghe thấy có đồ ăn ngon, tiểu muội mừng rỡ, kéo tay áo ta chạy ra cửa.

Ta mua một miếng thịt heo, một con gà quay, cá khô, dưa chuột, đậu phụ, không quên mua cho hai đứa nhỏ ít mứt và kẹo.

Khi đi ngang hiệu vải, ta nghe ông chủ nói mới nhập được một đợt vải mới.

Chợt nhớ Chu thẩm đã mặc bộ váy bạc màu đến mức không nỡ thay, ta liền muốn mua một ít về may quần áo cho cả nhà.

“Tỷ, cha vừa đưa tiền cho tỷ xong đã tiêu hết rồi sao?”

Tiểu muội cắn miếng kẹo, vừa ăn vừa hỏi.

“Ta cũng có tiền riêng mà. Muội thích tấm vải nào thì chọn đi, ta bảo Chu thẩm may cho muội một bộ mới.”

Tiểu muội không chỉ mê ăn, mà còn rất thích quần áo đẹp, giống như một bé gái bước ra từ tranh Tết, vừa nhìn thấy vải liền nhào vào tiệm ngay lập tức.

Ngược lại, tiểu đệ vẫn đứng yên tại chỗ.

“Đệ sao vậy? Sao không vào?”

Tiểu đệ ngần ngại đáp:

“Mẹ bảo không được tiêu tiền của tỷ lung tung, nói rằng tỷ kiếm tiền không dễ.”

Tiểu đệ là một đứa trẻ ngoan, tính tình thật thà, chuyện gì cũng viết hết lên mặt.

Ta vỗ nhẹ lên vai nó, dịu giọng khuyên:

“Mua vải may quần áo sao có thể gọi là tiêu tiền lung tung được? Mau vào chọn một tấm đi.”

Cuối cùng, tiểu đệ chọn tấm vải rẻ nhất, nhưng ta thấy không ổn, liền chọn một tấm tốt hơn với màu sắc tương tự.

Sau đó, ta cũng mua vải cho cha và Chu thẩm, rồi cùng hai đứa nhỏ trở về nhà.

Khi Chu thẩm thấy ba chúng ta xách túi lớn túi nhỏ trở về, bà chỉ hờn trách hai câu:

“Lại tiêu tiền bậy bạ rồi.”

Nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được bà đang rất vui.

Cả nhà cùng nhau ăn một bữa cơm đầm ấm, ai cũng mệt nhoài, vừa lên giường đã ngủ thiếp đi.

Nửa đêm, ta bị đau bụng nên thức dậy, vô tình thấy đèn trong phòng cha vẫn sáng.

Ta tưởng Chu thẩm thức khuya may vá, nhưng khi lại gần, ta nghe thấy bà đang nói chuyện với cha:

“Lão gia, dạo này trong lòng ta cứ bất an, sợ nhà mình lại gặp chuyện.”

“Cô nương họ Trịnh kia, ta thấy nàng ta khỏe lại rồi, cũng sợ sẽ gây phiền phức, nên để nàng ta rời đi rồi. Không biết nàng ta có ghi hận hay không…”

Cha ta an ủi vài câu, rồi thổi tắt đèn, đi ngủ.

 

08.

Ta lại nhớ đến nàng.

Có chút nhớ nhung.

Không biết bây giờ nàng đang ở đâu, sống thế nào.

Ta biết Chu thẩm không có ác ý, bà chỉ muốn lo cho cái nhà này.

Chỉ mong nàng có thể sống tốt.

Sau chuyện của lão thái giám, cuộc sống của chúng ta vẫn diễn ra như thường lệ.

Quán hoành thánh của ta ngày càng đông khách.

Năm đó, mùa mưa đến sớm hơn hẳn mọi năm.

Sau khi đi học về, tiểu muội đến giúp ta trông quán, chỉ tay ra ngoài, tò mò nói:

“Tỷ, người kia thật kỳ lạ, đứng nhìn vào đây rất lâu mà không vào.”

Ta nhìn theo hướng muội ấy chỉ, thấy một nam nhân đứng bên ngoài, chần chừ do dự, nhưng mãi vẫn không bước vào.

Ta thầm đoán, có khi hắn không có tiền ăn?

Loại người này ta gặp không ít—bề ngoài ăn mặc chỉn chu, nhưng túi rỗng không.

Đúng lúc sắp dọn hàng, vẫn còn một bát hoành thánh cuối cùng, ta bèn gọi hắn:

“Huynh đài, huynh đói rồi phải không?

Vào ăn một bát hoành thánh đi.”

“Không cần trả tiền.”

Ta sợ hắn ngại vì không có tiền, nên cố tình nhấn mạnh ba chữ “không cần trả tiền”.

Đợi đến khi hắn chậm rãi bước vào, ta ngây người.

Trời đất quỷ thần ơi!

Sao lại có người đẹp đến thế?!

Tựa như ngọc khắc thành hình.

Ta cứng lưỡi, không biết nên dùng từ nào để miêu tả.

Nếu dùng lời của cha mà nói thì…

“Đẹp đến mức nhìn phát cáu!”

Tiểu muội chọc nhẹ vào eo ta, nhỏ giọng nhắc nhở:

“Tỷ, đừng có ngây người ra thế, hoành thánh sắp trào ra khỏi nồi rồi!”

Ta nhanh chóng bưng bát hoành thánh đến trước mặt hắn.

Hắn khẽ gật đầu, nói:

“Cảm ơn.”

Bốn mắt giao nhau trong chớp mắt, ta vội vàng tránh đi.

Ta lên tiếng hỏi:

“Huynh gặp nạn à?”

Hắn khẽ nâng mắt, mái tóc đen bên thái dương lay động trong cơn gió sông, vạt áo cũng khẽ bay theo làn gió ẩm ướt.

Hắn không nói nhiều.

“Không phải gặp nạn.”

“Vậy là chuyện gì?”

Vừa hỏi xong, ta mới nhận ra mình lỡ lời.

Cho dù thực sự gặp nạn, thì ai lại đi thừa nhận? Ta chẳng phải đang đâm thẳng vào nỗi đau người khác hay sao?

Lúc này, cha và tiểu đệ đến đón ta và tiểu muội về nhà.

Hắn cũng ăn xong hoành thánh, hành lễ với cha ta một cái rồi rời đi.

Về đến nhà, tâm trí ta cứ để đâu đâu, trong lòng hối hận vì quên mất hỏi tên hắn.

Ta tưởng rằng, đây chỉ là một cuộc gặp gỡ thoáng qua, sẽ không bao giờ gặp lại nữa.

Nhưng không ngờ, tại quán hoành thánh, ta lại gặp hắn lần thứ hai.

Trời đổ mưa, mưa bụi lất phất, phủ lên người hắn một tầng ảo ảnh mơ hồ.

Hắn đứng dưới ô giấy dầu, bóng dáng thẳng tắp, tựa như một cây tùng lạnh lẽo trong gió đông.

Ta không nhịn được mà thầm nghĩ:

Sao lại bảo không có tiền được?

Mưa mỗi lúc một lớn, từng giọt rơi thẳng xuống sông, lòng ta do dự không biết có nên mời hắn vào tránh mưa hay không.

Nhưng trước khi ta kịp lên tiếng, hắn đã chủ động bước vào quán.

“Cô nương, tại hạ lại quấy rầy rồi.”

Xem ra là người có học, giọng nói cũng rất dễ nghe.

Chỉ là…

“Sao huynh biết ta họ Từ?”

Hắn khẽ cười, đôi má lúm đồng tiền thoáng hiện, đáp:

“Nghe thuyền phu ở đây nói.”