3
Ba tôi là người ăn nhiều nhất, nên cũng là người đầu tiên có triệu chứng trúng độc.
Ông nói trong nhà đầy những “tiên nhỏ”, mấy con tiên ấy đến để đưa tiền cho ông, thế là ông vừa la vừa đuổi theo mấy “tiên nhỏ” chạy khắp nhà.
Mẹ tôi lo lắng, muốn đưa ba đi bệnh viện.
Bà quay sang hỏi bà nội: “Trên tivi nói, trúng độc do nấm có thể bị ảo giác, nhìn thấy tiên bay, có khi nào là bị ngộ độc thật không?”
Bà nội lập tức nhổ một bãi nước bọt về phía mẹ tôi:
“Mày mới là người trúng độc đấy! Sao cứ không mong con tao bình an hả? Nó uống rượu say mày không nhìn ra à? Đi bệnh viện tốn biết bao nhiêu tiền, hay mày muốn xài hết tiền nó kiếm được hả?”
Mẹ tôi nghe xong, không dám hé thêm một lời nào về việc đến bệnh viện.
Lúc đó, em trai tôi bỗng bật cười ha hả, chắc cũng bắt đầu bị ảo giác, nhìn thấy gì đó trong đầu.
Bà nội ôm nó lên, vui vẻ nói: “Ôi trời, cháu đích tôn của bà hôm nay vui lắm hả?”
Ngay sau đó, mẹ và bà nội đều bắt đầu nôn thốc nôn tháo, tiêu chảy không ngừng. Khi hai người họ lảo đảo bước ra khỏi nhà vệ sinh, thì ba tôi đã ngất lịm, còn em trai thì đang sùi bọt mép.
Bà nội gào lên gọi tên tôi, bảo tôi mau gọi 120.
Tôi rụt rè hỏi: “Bà nội ơi, gọi 120 tốn tiền lắm á. Mình cách bệnh viện đâu có xa, thật sự cần gọi xe cấp cứu không ạ? Cháu nghe nói một lần mất mấy trăm ngàn đó.”
Nghe tới chuyện phải tốn tiền, bà nội lập tức quyết định: để mẹ tôi dìu ba, tôi thì bế em trai, cả nhà cùng đi bộ đến bệnh viện.
Dù sao cũng chỉ hơn 3 cây số thôi mà.
Bà không biết rằng, vận động sẽ khiến độc tố phát tán nhanh hơn.
Khi chúng tôi đến được bệnh viện, bà nội và mẹ tôi đã ngất xỉu.
Ba và em trai thì được đưa đi cấp cứu ngay.
Có người hỏi tôi chuyện gì xảy ra. Tôi trả lời: “Họ ăn phải nấm độc.”
Bác sĩ lại hỏi: “Sao cháu không sao?”
Tôi đáp: “Vì cháu là con gái, là đứa bồi tiền của nhà này. Món gà hầm nấm ngon lành thế, cháu không xứng ăn.”
Ánh mắt bác sĩ nhìn tôi lập tức chuyển từ dò xét sang xót xa.
Ông ấy nhìn thân hình gầy gò của tôi, quần áo rộng thùng thình không vừa người, rồi xoa đầu tôi thở dài: “Trong họa có phúc, biết đâu lại là điều may.”
Em trai và ba được đưa đi rửa ruột.
Mẹ và bà nội vì nôn ra nhiều nên tạm thời chỉ truyền dịch để xử lý.
Em trai là người đầu tiên được đẩy ra. Nhưng người nó được phủ kín bằng tấm khăn trắng.
Bà nội vừa thấy liền gào lên một tiếng rồi ngất xỉu. Mẹ tôi thì khóc như thể trời sập, gào thét mắng bác sĩ không có tay nghề, đã hại chết con bà ta.
Nhưng bác sĩ không nhân nhượng. Họ gọi bảo vệ, rồi gọi luôn cả cảnh sát.
Cảnh sát đến, đưa mẹ tôi đi để “bình tĩnh lại một chút”.
Bà nội cũng được cấp cứu. Khi tỉnh lại, bác sĩ nói do bị trúng độc, rất có thể là do nấm gây ra. Bà ta không thể nào chấp nhận nổi.
Nhìn thấy tôi đang ngồi ở góc phòng, bà ta nhào tới như muốn cắn xé:
“Tất cả là do mày! Đồ con ranh, là mày hại chết em mày! Lúc mày sinh ra, tao đáng lẽ phải bóp chết mày mới đúng!”
Gương mặt đầy nếp nhăn của bà ta vặn vẹo lại, trông chẳng khác gì một mụ phù thủy trong truyện kinh dị.
Đúng lúc đó, ba tôi cũng được đẩy ra khỏi phòng cấp cứu.
Có lẽ vì ông không còn nhỏ như em trai, sức đề kháng tốt hơn, dù còn yếu nhưng cuối cùng vẫn được cứu sống.
Nghe tin em trai đã chết vì ngộ độc, ông ta khóc rống lên, lập tức đổ hết tội cho bệnh viện, nói do họ xử lý sai, yêu cầu được bồi thường.
Các bác sĩ đều tỏ vẻ khó chịu, trực tiếp báo cho cảnh sát.
Vừa thấy cảnh sát, ba tôi liền co rúm lại, không dám nói thêm nửa lời.
Khi bà nội nhìn thấy hóa đơn viện phí, lập tức đòi về nhà.
Một phần là vì tiếc tiền nằm viện, phần còn lại là để lo tang lễ cho em trai.
Tôi cứ tưởng, bà nội thương em trai như vậy, thì tang lễ chắc chắn sẽ được lo chu đáo.
Nhưng… kết quả lại hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của tôi.
4
Ba mẹ và bà nội bàn nhau sẽ đưa em trai về quê, chôn ở nghĩa địa tổ tiên.
Nhưng bà nội lại quay sang mắng ba tôi là không biết điều:
“Con chết rồi, chôn ở đâu mà chẳng chôn! Mày có biết tiền đi lại tốn bao nhiêu không? Hai đứa bây giờ còn chưa đi làm lại được, một chuyến về một chuyến ra là bay luôn mấy triệu, đủ sống mấy tháng đấy!”
“Tiền đó giữ lại lo nhanh đứa con trai khác mới là chuyện quan trọng! Làm mấy trò vô bổ này để làm gì?”
“Trẻ con đem đi thiêu là xui xẻo lắm, tao thấy để bác mày tìm đại chỗ nào chôn luôn cho xong!”
Chị dâu tuy là người địa phương, nhưng hoàn toàn không muốn dính vào chuyện này.
Ba mẹ tôi và bà nội lập tức quay sang chửi chị dâu thậm tệ:
“Bác sĩ nói rồi, con tao chết vì ăn nấm độc, con đàn bà độc ác này, mày có phải muốn đầu độc cả nhà tao không?”
Nhưng chị dâu không sợ:
“Mẹ, con đã nói đừng tự ý đi hái nấm rồi mà mẹ không chịu nghe! Mẹ tự hái nấm độc rồi hại chết cháu mẹ, liên quan gì đến con?”
Hai nhà suýt nữa thì đánh nhau.
Cuối cùng, chị dâu miễn cưỡng tìm đại một chỗ ở quê, còn ép bà nội phải đem xác em trai đi thiêu, chôn sơ sài cho xong.
Không có hũ tro, không có quan tài, chỉ là một cái túi nilon rẻ tiền hai trăm đồng – đó là nơi an nghỉ cuối cùng của em trai tôi.
Đó chính là ba mẹ và bà nội – những người từng hết mực thương yêu em trai tôi.
Nhưng kể cả là cháu ruột, thì cũng chỉ có cháu còn sống mới là “bảo bối trong tim” của họ.
Sau khi em trai được chôn cất, bà nội bắt đầu giục ba mẹ tôi mau chóng sinh cho bà thêm đứa cháu trai khác.
Bà nói thẳng với mẹ tôi:
“Nếu mày không đẻ được cháu trai cho tao, tao sẽ bắt con tao ly dị mày, mày ôm đứa con gái bồi tiền của mày ra đường mà xin ăn!”
Mẹ tôi không dám cãi lời. Trước đây, em trai là lá chắn giúp bà ta giữ được chỗ đứng trong nhà này. Giờ thì bà ta chẳng khác gì tôi – vô hình, vô giá trị.
Từ đó, cuộc sống của mẹ tôi chỉ còn mỗi một mục tiêu: ngày ngày đeo bám ba tôi để cố sinh con trai.
Ngày tháng trôi qua, bụng mẹ vẫn không có chút động tĩnh nào, khiến bà nội cực kỳ bất mãn.
Bà nội trở mặt, mở miệng ra là chửi, ra tay là đánh.
Mẹ tôi thường túm lấy tôi than vãn:
“Lai Nhi à, số mẹ sao khổ thế này, sao lại gả vô cái nhà họ Vương này chứ…”
Tôi cũng muốn hỏi, sao số tôi lại xui xẻo đến mức đầu thai vô cái bụng này.
Tôi nghĩ một lúc, rồi hùa theo:
“Đúng vậy mà mẹ. Mẹ cực quá rồi… Rõ ràng là nấm độc của bà nội làm em trai chết, vậy mà bà còn quay ra mắng mẹ nữa.”
Ánh mắt mẹ tôi bỗng sáng rực lên, như thể vừa vớ được cọng rơm cứu mạng.
Bà ta lẩm bẩm:
“Đúng… Chính là con mụ già đó hại chết con tao! Là bà ta đã hại chết con tao!”
Hôm đó, khi bà nội thấy mẹ tôi cầm bịch băng vệ sinh về, lại chửi um lên:
“Con gà không biết đẻ, đáng lẽ phải nhổ lông nấu cháo từ lâu rồi! Tao còn phải nuôi mày mỗi ngày? Nếu mày còn không đẻ cháu trai cho tao, tao sẽ bắt con tao ly dị mày!”
Lần này, mẹ tôi không còn nhẫn nhịn nữa, quay sang ba tôi hét lên:
“Con trai anh rõ ràng khỏe mạnh thế mà bị mẹ anh cho ăn nấm độc đến chết! Con trai tôi chết oan uổng như vậy, tôi sống sao nổi?”
Câu đó như đâm thẳng vào tim bà nội.
Bà nhào lên túm tóc mẹ tôi, tát liên tiếp vào mặt:
“Tất cả mọi người đều ăn, sao chỉ có con mày chết? Là do nó bạc phước! Đồ đàn bà hư hỏng, dám đổ lỗi cho tao à? Tao đánh chết mày luôn!”
Vừa nói vừa tát bên trái, đấm bên phải.
Ba tôi thấy mẹ và bà nội đánh nhau, thì bực bội đập vỡ chai rượu:
“Cãi cãi cãi! Ngày nào cũng cãi! Các người định cãi đến bao giờ mới chịu ngừng?”
Sau vụ ngộ độc lần trước, ba tôi vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Bà nội sợ tốn tiền, ép ông xuất viện sớm, đến giờ cơ thể vẫn còn yếu.
Nhưng ông là đứa con hiếu thảo, chưa từng trách mẹ mình nửa câu.
Ông hoàn toàn đồng ý với chuyện phải sinh ngay một đứa con trai khác, nên đã sớm sinh lòng chán ghét mẹ tôi.
Ông đứng về phía bà nội:
“Sao tôi lại lấy cô chứ? Sinh được con trai cũng chẳng giữ được! Cô muốn tôi tuyệt hậu à?”
Ông cũng mắng mẹ tôi không tiếc lời, mẹ tôi khóc đến run rẩy cả người.
Đột nhiên, bà ta quay sang thấy tôi đang đứng lặng ở góc nhà, liền xông tới tát một cái như trời giáng, khiến tôi ngã sõng soài:
“Đồ sao chổi! Sao không phải là mày chết đi? Mày nên là người chết thay cho em mày! Sao mày còn sống chứ?”
“Là mày khắc chết em trai mày! Là mày!”
Tôi ôm đầu, cuộn tròn lại, để mặc cho bà ta đấm đá túi bụi.
Còn trong lòng tôi, mối hận ngày càng đậm hơn.
Ngôi nhà này… không một ai đáng để tôi thương tiếc.
Và sự trả thù của tôi – vẫn còn chưa đủ.